Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Khi không uống đủ nước, cơ thể sẽ thiếu nước, dẫn đến mất nước. Ngay cả khi chỉ bị mất nước nhẹ, tinh thần và thể chất cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Vai trò của nước đối với cơ thể
Khoảng 70% cơ thể con người là nước. Nước cần thiết cho hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là thận. Trong quá trình hoạt động hàng ngày, cơ thể mất nước qua mồ hôi, tiểu tiện và thậm chí khi thở.
Do đó, lượng nước mất đi cần được bổ sung bằng cách uống nước lọc và các loại đồ uống khác như sữa, nước trái cây, nước canh, và ăn thực phẩm có hàm lượng nước cao như súp và cháo.
Cơ thể “lên tiếng” như thế nào khi không được cung cấp đủ nước mỗi ngày
1. Mệt mỏi và giảm hoạt động thể chất
Thiếu nước có thể làm giảm hiệu suất thể chất, đặc biệt khi tập thể dục cường độ cao hoặc ở môi trường nhiệt độ cao. Mất nước dẫn đến thay đổi kiểm soát nhiệt độ cơ thể, giảm động lực và tăng mệt mỏi, khiến việc tập thể dục trở nên khó khăn hơn nhiều.
Do đó, nếu bạn tập thể dục cường độ cao và thường đổ mồ hôi, cần cung cấp đủ nước để duy trì hiệu suất vận động hiệu quả.
2. Ảnh hưởng đến chức năng thận
Nước giúp thận loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Thiếu nước có thể dẫn đến tích tụ chất thải và axit trong cơ thể, gây sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu. Sỏi tiết niệu là những khối tinh thể khoáng hình thành trong hệ tiết niệu, gây đau đớn cho người bệnh, phổ biến nhất là sỏi thận.
Nguyên nhân hàng đầu gây ra sỏi thận là do cơ thể thiếu nước. Phần lớn bệnh nhân không uống đủ lượng nước khuyến nghị hàng ngày. Có bằng chứng cho thấy uống nhiều nước giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi và tái phát sỏi ở những người từng bị sỏi thận. Lượng chất lỏng cao hơn làm tăng khối lượng nước tiểu đi qua thận, làm loãng nồng độ khoáng chất, giảm khả năng kết tinh và hình thành cục sỏi.
Uống nhiều nước cũng giúp giảm nguy cơ phát triển và điều trị nhiễm trùng đường tiểu. Mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Thận giữ mức điện giải ổn định khi hoạt động bình thường. Khi thận không thể duy trì sự cân bằng nồng độ các chất điện giải, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến suy thận, nguy hiểm đến tính mạng.
3. Nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón
Táo bón là vấn đề sức khỏe phổ biến, và một trong những nguyên nhân quan trọng là do cơ thể không được cung cấp đủ nước. Uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa và giảm táo bón, đặc biệt đối với những người thường không uống đủ nước.
4. Ảnh hưởng đến sức khỏe của khớp
Sụn trong các khớp và đĩa đệm của cột sống chứa khoảng 80% nước. Tình trạng mất nước kéo dài có thể làm giảm khả năng bôi trơn và hấp thụ của sụn, dẫn đến đau khớp và giảm hiệu quả hoạt động của khớp.
5. Làm suy giảm chức năng não
Các nghiên cứu cho thấy ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng não. Một nghiên cứu ở phụ nữ trẻ cho thấy mất 1,4% lượng chất lỏng sau khi tập thể dục làm suy giảm tâm trạng và sự tập trung, đồng thời tăng tần suất đau đầu. Nghiên cứu tương tự ở nam giới trẻ tuổi phát hiện mất 1,6% lượng chất lỏng có hại cho trí nhớ, khả năng làm việc và tăng cảm giác lo lắng, mệt mỏi.
6. Khiến da nhanh bị lão hóa
Khi cơ thể bị mất nước, da trở nên dễ bị tổn thương hơn. Mất nước kéo dài làm da mất đi sự đàn hồi và dễ bị tác động bởi môi trường, dẫn đến quá trình lão hóa nhanh hơn, mất tính đàn hồi, gây ra nếp nhăn và da chảy xệ.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, mỗi người nên uống khoảng 8 ly nước, tương đương 2 lít nước mỗi ngày. Đây là tổng lượng chất lỏng cần thiết cho cơ thể, bao gồm nước lọc và các loại đồ uống khác, cũng như thực phẩm chứa nhiều nước.
Trong trường hợp tập thể dục ra nhiều mồ hôi, làm việc ngoài trời nắng nóng, bạn cần uống nhiều nước hơn. Đặc biệt, khi bị tiêu chảy, nôn mửa, cần bổ sung thêm nước hoặc dung dịch bù nước và điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ.